Từ ngày 04 đến ngày 18 tháng 11 năm 2017, Lĩnh vực hoạt động 3 “Đào tạo nghề cho lực lượng lao động có tay nghề trong lĩnh vực nước thải” đã tổ chức thành công hai tuần đào tạo nâng cao tại Dresden, Đức cho tổng cộng 23 giáo viên, cán bộ đào tạo tại doanh nghiệp thuộc hai nghề Kỹ thuật thoát nước & xử lý nước thải và nghề Kỹ thuật điện.
Đối với nghề Kỹ thuật thoát nước và xử lý nước thải, học viên bao gồm 3 giáo viên trường Cao đẳng Kỹ nghệ II và 12 cán bộ đào tạo từ công ty cấp thoát nước của các tỉnh thành Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Cần Thơ, Huế, Đà Nẵng, Hải Phòng và Thái Nguyên. Khóa học cho nhóm cán bộ giảng dạy này diễn ra tại Trung tâm đào tạo nghề Hóa và Môi trường Bang Sachsen, với chủ đề chính là vận hành quy trình công nghệ xử lý nước thải: Khử ni-tơ và phốt-pho, phân tích các thông số tổng, các thông số đơn hóa-lý và phân tích vi sinh trong nước thải, bùn hoạt tính. Bên cạnh học lý thuyết và thực hành trong phòng thí nghiệm, học viên còn đến thăm quan các nhà máy xử lý nước thải công nghiệp và sinh hoạt Bitterfeld, nhà máy xử lý nước thải của thành phố Dresden. Cuối cùng, để chuẩn bị nhân rộng mô hình đào tạo hợp tác cho nghề Kỹ thuật thoát nước và xử lý nước thải, học viên còn được Phòng Công nghiệp Thương mại Dresden (IHK- Dresden) trang bị cho những hiểu biết cơ bản về cách phối hợp giữa trường nghề và doanh nghiệp trong tổ chức đào tạo nghề cũng như quy trình và cách tổ chức kỳ thi nghề theo tiêu chuẩn Đức.
Tại nhóm nghề Kỹ thuật điện, học viên là 2 cán bộ đào tạo của các công ty Viglacera và Ishikawa Seiko cùng 6 giáo viên trường Cao đẳng Quốc tế LILAMA 2. 8 học viên đã được đào tạo nâng cao về cách thiết kế đào tạo thực hành dựa trên tiêu chuẩn công nghiệp Đức và đã trải qua kỳ thi thử nghề Kỹ thuật điện theo tiêu chuẩn Đức. Kỳ thi thử đã minh họa đầy đủ cấu trúc và nội dung như kỳ thi kết thúc phần 1 và phần 2, trong đó mỗi giáo viên/ cán bộ đào tạo tại doanh nghiệp được tham gia thi (phần 1 và phần 2 của kỳ thi kết thúc) độc lập dưới dự giám sát và đánh giá của 2-3 giám khảo Đức. Sau khi hoàn thành mỗi phần thi thử, tất cả người tham gia đều nhận được phản hồi của các giám khảo Đức về kết quả thưc hiện của mình. Họ cũng đã thảo luận tại chỗ cùng nhau để rút ra các bài học kinh nghiệm và thực hiện các hiệu chỉnh và cải tiến cần thiết liên quan tới các chủ đề khác nhau như: các phương án an toàn điện, các tiêu chuẩn lắp đặt/ gá lắp công nghiệp, tạo nhãn cho các phần tử hệ thống, áp dụng các phương án đo/ kiểm tra phù hợp.
Tất cả những người tham gia đã chia sẻ trong buổi lễ tổng kết rằng, sau khóa đào tạo nâng cao này họ đã hiểu rõ các nguyên tắc cơ bản trong việc thiết lập và tổ chức có cấu trúc mô hình đào tạo phối hợp cũng như kỳ thi và đánh giá một cách công bằng, trung lập và có thể so sánh được. Họ nhận thấy toàn bộ nội dung khóa đào tạo nâng cao là cần thiết và hữu ích để chuẩn bị các khóa đào tạo phối hợp và các kỳ thi sắp tới theo tiêu chuẩn Đức.
Khóa đào tạo nâng cao được thực hiện bởi Lĩnh vực hoạt động 3: “Đào tạo nghề cho lực lượng lao động có tay nghề trong lĩnh vực xử lý nước thải” tổ chức, kết hợp với Lĩnh vực hoạt động 2: “Hỗ trợ xây dựng các Trung tâm Xuất sắc về Đào tạo nghề”. Hai lĩnh vực hoạt động thuộc Chương trình hợp tác phát triển Việt-Đức “Đổi mới Đào tạo nghề tại Việt Nam”, được thực thi bởi Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) dưới sự ủy nhiệm của Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ).