TVET Vietnam

Kiến thức và kỹ năng của giảng viên được nâng cao thông qua các khóa đào tạo về Phương pháp dự án, Thủy lực và Uốn ống

Để nâng cao kiến ​​thức cũng như năng lực cho giảng viên ngành điện, điện tử và cơ điện tử, khóa đào tạo nâng cao “Giới thiệu Phương pháp Dự án lĩnh vực Cơ điện tử” đã được tổ chức và thực hiện từ ngày 23 đến 27 tháng 3 năm 2020 tại Trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế LILAMA 2, bởi hai giảng viên nhân rộng của LILAMA 2, thầy Nguyễn Trọng Tín và thầy Kiều Tấn Thới. 20 giảng viên LILAMA 2 đã được cung cấp các kiến ​​thức về các phương pháp dự án 4 bước, 6 bước (Thu thập thông tin, Lập kế hoạch và chuẩn bị, Ra quyết định, Kiểm tra và Giám sát chất lượng, Đánh giá) và ứng dụng thực tế công nghệ cao trong giảng dạy cũng như xây dựng các bài tập cho sinh viên.

Tiếp nối thành công và ứng dụng của khóa đào tạo đầu tiên, khóa đào tạo theo định hướng dự án “Lắp đặt hệ thống điều khiển thủy lực, uốn ống, và gia công đầu ống thủy lực” đã được thực hiện cho 18 giảng viên từ các trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận, Long An, An Giang và LILAMA 2. Trong suốt thời gian từ 20 đến 30 tháng 7 năm 2020, dưới sự hướng dẫn của giảng viên LILAMA 2, thầy Kiều Tấn Thới và thầy Lê Văn Hùng, các học viên có cơ hội tiếp cận với nhiều bài tập thực hành chuyên môn khác nhau, nâng cao năng lực thiết yếu. Điểm nổi bật của khóa đào tạo này là các giảng viên có thể áp dụng kiến thức và kỹ năng có được về các phương pháp sư phạm từ khóa đào tạo đầu tiên vào khóa đào tạo cụ thể theo định hướng dự án lần này. Các giảng viên có thêm khả năng nhận biết, thiết kế, lắp đặt và vận hành hệ thống thủy lực, vẽ phác thảo đường đi của ống thép, đo khoảng cách giữa bộ phận thủy lực và xây dựng các tài liệu đào tạo về thủy lực.

Cô Nguyễn Thị Hiên, Trưởng khoa Điện tử Công nghiệp của trường LILAMA 2, nhận xét: “Tôi rất quan tâm đến phần ứng dụng GRAFCET, cổng kết nối IoT và biến tần G120. Hơn nữa, tôi được truyền cảm hứng khi phối hợp tác với các giảng viên khác từ khoa Điện và khoa Cơ điện tử trong hoạt động chuẩn bị một bài tập dự án nhỏ về nâng cấp hệ thống chiết rót chai, trong khi các nhóm khác cũng chịu trách nhiệm cho các dự án khác nhau, như nâng cấp hệ thống vệ sinh chai, hệ thống đóng nắp chai hoặc hệ thống kiểm định chai.” Là một trong những học viên tham gia nhiệt tình, cô bổ sung: “Bài tập dự án của mỗi nhóm được các giảng viên đánh giá vào cuối khóa đào tạo. Tất cả chúng tôi đều hài lòng với kết quả đạt được. Chúng tôi cũng sẵn sàng cải thiện bản thân thông qua những góp ý xây dựng từ các giảng viên tham dự khác”.

 “Tại trường cao đẳng nghề An Giang, chúng tôi cũng có các trạm thủy lực tương tự như tại LILAMA 2, với đầy đủ các công cụ và phụ kiện, tôi nghĩ rằng mình có thể áp dụng những năng lực mà tôi đạt được tại đây vào công tác giảng dạy của mình. Thực tế, bản thân tôi cũng như những giảng viên tham dự khác đã được nâng cao rất nhiều kiến ​​thức và kỹ năng từ khóa đào tạo này. Cụ thể là, khóa đào tạo giúp tôi có thêm các kinh nghiệm mới trong việc đánh giá các tiêu chí cho uốn ống; hoặc uốn và lắp ráp các cụm chi tiết theo bản vẽ”, cô Nguyễn Thị Thái Huyền, giáo viên Cơ điện tử của trường Cao đẳng An Giang chia sẻ.

Hai khóa đào tạo được tổ chức trong khuôn khổ Hợp phần “Hỗ trợ các Trung tâm Xuất sắc về Đào tạo nghề”, thuộc Chương trình Hợp tác Việt-Đức “Đổi mới Đào tạo nghề tại Việt Nam”. Chương trình được tài trợ bởi Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ), đồng thực hiện bởi Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) và Bộ lao động Thương binh và Xã hội Việt Nam (MoLISA).

TIN TỨC KHÁC