“Giáo dục nghề nghiệp đóng một vai trò quan trọng bằng cách xây dựng một lực lượng lao động có năng lực đáp ứng tốt các yêu cầu của xanh hóa nền kinh tế ở Việt Nam”, TS. Trương Anh Dũng, Phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phát biểu tại lễ phát động phong trào “Xanh hóa – bảo vệ môi trường tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh”. Sự kiện diễn ra ngày 27/6/2018 tại trường Cao đẳng Kỹ nghệ II (HVCT), do sở LĐ-TB&XH thành phố Hồ Chí Minh cùng chương trình “Đổi mới Đào tạo nghề tại Việt Nam” đồng tổ chức. Tham dự sự kiện là hơn 50 đại biểu từ chính quyền địa phương, các trường trung cấp, cao đẳng và đại diện các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
Trong buổi lễ phát động, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận những khía cạnh của việc xanh hóa đào tạo nghề, như vai trò của các cơ sở GDNN trong xanh hóa đào tạo nghề, thách thức, bài học kinh nghiệm và giải pháp cho xanh hóa đào tạo nghề. Theo TS. Trương Anh Dũng, các cơ sở GDNN cần đào tạo các nghề phục vụ trực tiếp cho phát triển xanh và đưa các kỹ năng xanh vào chương trình đào tạo sẵn có như bảo vệ môi trường, sử dụng tài nguyên hợp lý, an toàn và vệ sinh lao động. Ngoài ra, các trường nên lồng ghép những yếu tố xanh vào hoạt động thực tiễn như quản lý xưởng xanh hay xanh hóa khuôn viên nhà trường. Chương trình đào tạo nghề “Kỹ thuật thoát nước và xử lý nước thải” là ví dụ về một chương trình phục vụ trực tiếp cho nền kinh tế xanh, và sử dụng những yếu tổ xanh trong công tác triển khai đào tạo. Chương trình đang được thí điểm tại trường Cao đẳng Kỹ nghệ II cùng 6 doanh nghiệp thoát nước với sự hỗ trợ của Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ).
Ông Huỳnh Văn Tí, Chuyên gia cao cấp của Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, “xanh hóa GDNN” là khái niệm mới. Vì vậy cần lồng ghép chủ đề này trong các hoạt động GDNN để đẩy mạnh tuyên truyền về vấn đề này. Các bên liên quan trong lĩnh vực GDNN cũng nên tham gia tích cực vào xanh hóa đào tạo nghề nói riêng và bảo vệ môi trường nói chung
Sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế Việt Nam đang định hình lại nhu cầu và mục tiêu đối với giáo dục, đào tạo. Giáo dục nghề nghiệp đã và đang đóng vai trò chủ chốt trong việc tạo ra lực lượng lao động phục vụ cho phát triển các ngành công nghiệp Việt Nam. Chính vì vậy, đổi mới hệ thống GDNN Việt Nam cần cân nhắc đến vấn đề “xanh hóa GDNN” để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao có khả năng đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế xanh, bền vững tại Việt Nam.
Hoạt động trên nằm trong khuôn khổ Hợp phần 3 “Đào tạo nghề cho lực lượng lao động có tay nghề trong lĩnh vực xử lý nước thải tại Việt Nam”, thuộc Chương trình hợp tác Việt – Đức “Đổi mới Đào tạo nghề tại Việt Nam”. Chương trình do Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ) ủy nhiệm cho Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) thực hiện cùng bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.