Từ ngày 11/6 – 23/6/2018, 15 giáo viên từ các cơ sở đào tạo nghề tại thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai đã được cung cấp các kiến thức và kỹ năng về năng lượng mặt trời, thông qua khóa đào tạo “Thiết kế và lắp đặt hệ thống quang điện”. Khóa học diễn ra tại trường cao đẳng Lý Tự Trọng, thành phố Hồ Chí Minh, với sự hướng dẫn của các cán bộ nhân rộng từ trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế LILAMA2. Khóa đào tạo cũng cho thấy LILAMA đang dần trở thành một trung tâm cung cấp đào tạo chuyên sâu theo yêu cầu cho cán bộ giảng dạy từ các cơ sở đào tạo nghề khác trong khu vực.
Khóa học được hướng dẫn bởi ba giáo viên giàu kinh nghiệm từ LILAMA 2, và thầy Nguyễn Minh Đức từ trường cao đẳng Lý Tự Trọng, là những người đã tham gia khóa đào tạo chuyên sâu về năng lượng mặt trời ở Đức, cùng với sự hỗ trợ của ông Michael Stark, Chuyên gia Phát triển của GIZ, giúp các học viên làm quen với nhiều nội dung lý thuyết và thực hành. Đầu tiên, các học viên đã nắm bắt các vấn đề cơ bản về năng lượng mặt trời và giới thiệu các thiết bị được dùng trong lĩnh vực này. Với những bài tập thực hành ngay trong tuần đầu đã giúp các học viên biết cách lắp đặt và vận hành máy phát quang điện trong phòng học và xưởng thực hành.
Không chỉ ở phạm vi phòng học và xưởng thực hành, các học viên đã tìm hiểu và thực hành lắp đặt máy phát quang điện cho hộ gia đình. Sau khóa đào tạo 12 ngày, một máy phát quang điện lưới 1.2kW đã được thiết kế, lắp đặt, và vận hành. Máy phát chạy bằng năng lượng mặt trời này sẽ được trường Cao đẳng Lý Tự Trọng sử dụng để cung cấp nguồn điện sạch và miễn phí.
Việt Nam là một đất nước với tiềm năng về năng lượng mặt trời cao, bức xạ mặt trời trung bình tương đương với các nước như Tây Ban Nha hay Ý. Việt Nam cũng dự kiến từ nay đến năm 2020, mức tiêu thụ điện năng mỗi năm sẽ tăng 12%, và từ nay đến 2030, sẽ có tới 10% nguồn điện được sản xuất từ những nguồn năng lượng có thể tái tạo. Những con số này cho thấy nhu cầu và tiềm năng ngày càng cao của thị trường năng lượng mặt trời ở Việt Nam, yêu cầu một nguồn nhân lực có kỹ năng trong việc lắp ráp và xây dựng các nhà máy quang điện. Do vậy, khóa đào tạo hợp tác với trường Cao đẳng Lý Tự Trọng và sự hỗ trợ của Hiệp hội cải thiện Xã hội và Chuyển đổi bền vững (ASSIST) khu vực Châu Á là vô cùng cần thiết.
Hoạt động nằm trong khuôn khổ Hợp phần “Hỗ trợ Trung tâm Chất lượng cao về Đào tạo nghề”, thuộc chương trình hợp tác Việt – Đức “Đổi mới Đào tạo nghề tại Việt Nam”. Chương trình được tài trợ bởi Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ), và do Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp thực hiện.