“Chuyến công tác đã giúp chúng tôi có thêm nhiều hiểu biết sâu sắc về các yêu cầu mới cho lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp mà Số hóa và Công nghiệp 4.0 mang lại. Những kiến thức này chính là cơ sở để trường thực hiện các bước tiếp theo trong công tác bồi dưỡng nâng cao cho giáo viên và cán bộ quản lý, cũng như điều chỉnh chương trình đào tạo của các nghề liên quan sao cho phù hợp với những yêu cầu mới này”, ông Nguyễn Khánh Cường – Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế LILAMA 2 (LILAMA) 2) cho biết tại lễ tổng kết chuyến công tác về Số hóa và Công nghiệp 4.0 diễn ra từ ngày 06 đến ngày 16 tháng 10 năm 2018 tại Đức.
Tham gia chuyến công tác gồm có 15 lãnh đạo từ các phòng ban của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai, Hội Doanh nghiệp Cơ khí – Điện tử thành phố Hồ Chí Minh (HAMEE), trường LILAMA 2 và các công ty đối tác.
Trong chuyến tham quan học tập kéo dài mười ngày, các đại biểu đã tìm hiểu về những xu hướng các công ty của Đức sử dụng số hóa và công nghệ 4.0, cũng như những yêu cầu đối với lĩnh vực đào tạo nghề mà Số hóa và Công nghiệp 4.0 đặt ra. Các đại biểu cũng tới thăm quan và thảo luận với các cán bộ kỹ thuật và cán bộ quản lý của nhiều công ty và viện nghiên cứu ứng dụng Số hóa và Công nghiệp 4.0, như Bosch Rexroth Würzburg, công ty Đào tạo và Tư vấn Festo, Trung tâm đào tạo ABB Berlin, Trung tâm đào tạo Siemens Berlin, Công ty TNHH Phát triển phần mềm kỹ thuật MTS, Trung tâm Magdeburg GIZ / UNEVOC, Fraunhofer IFF / VDTC (Viện khoa học Vận hành nhà máy và Tự động hóa với Trung tâm Đào tạo Phát triển Công nghệ ảo), Phòng thủ công (HWK Magdeburg) và Bộ Kinh tế, Khoa học và Số hóa Saxony-Anhalt.
“Đây là một chuyến tham quan học tập thú vị và hữu ích. Sau chuyến đi, tôi sẽ đề xuất lãnh đạo Tổng cục GDNN lồng ghép những yêu cầu và nội dung mới của Công nghiệp 4.0 vào các văn bản pháp luật trong lĩnh vực GDNN liên quan”, ông Lê Văn Chương, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án, các dự án ODA về GDNN, Tổng cục GDNN cho biết.
Chuyến tham quan học hỏi được tổ chức trong khuôn khổ Hợp tác Phát triển Đức, “Bund-Länder-Programm (BLP) giữa Saxony-Anhalt và Việt Nam”, nhằm đóng góp vào sự phát triển năng lực dựa trên nhu cầu cho giáo dục nghề nghiệp và đào tạo nhân sự ở Việt Nam, tập trung vào Số hóa hóa và Công nghiệp 4.0. Chương trình được tài trợ bởi Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ) và bang Saxony-Anhalt. Chương trình hỗ trợ Hợp tác Phát triển Đức tại Việt Nam với việc cung cấp bồi dưỡng chuyên sâu cho LILAMA 2 và các cán bộ quản lý và giảng dạy về chủ đề Số hóa và Công nghiệp 4.0.